Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Xét Xử Vụ Người Phụ Nữ Lừa Đảo Chiếm Đoạt 78 Tỷ Đồng

Do ban đầu được trả lãi cao và đúng hẹn, 9 người đã tin tưởng giao hơn 78 tỷ đồng cho nữ cán bộ đăng kiểm có chồng làm sếp.

Ngày 7-8/6, TAND Hà Nội đã xét xử Trần Thị Thu Thủy (42 tuổi, ở quận Ba Đình) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan công tố, năm 2007, Thủy làm việc tại Phòng Công nghiệp Cục đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải. Cô này cho biết công ty của chồng đang kinh doanh rất tốt, có nhiều dự án nên cần huy động lượng tiền lớn, trả lãi cao 10% một tháng. Một số người đã đưa tiền cho Thủy đầu tư.

Trần Thị Thu Thủy tại tòa. Ảnh: Nam Anh

Ban đầu, tiền gốc cùng lãi được trả đầy đủ do Thủy dùng tiền vay của người này để thanh toán cho người kia. Các chủ nợ tin tưởng, Thủy tiếp tục "vẽ" ra nhiều dự án để những người này tiếp tục giao tiền cho mình.

Theo cáo buộc của VKS, nạn nhân đầu tiên là một nữ đồng nghiệp của Thủy. Ngoài tiền của mình, chị này còn huy động khoảng 8 tỷ đồng từ nhiều người thân để giao cho Thủy... Tổng cộng, Thủy đã nhận của 9 người với số tiền hơn 78 tỷ đồng.

Quá hạn thanh toán, bị đòi tiền, Thủy không trả mà đưa ra nhiều lý do khất nợ. Cuối tháng 12/2008, cô thông báo không có các dự án đầu tư như đã nói mà sử dụng tiền vay vào mục đích khác, hiện không còn khả năng thanh toán. Vụ quỵt nợ được tố cáo tới cơ quan điều tra.

Cảnh sát xác định, Thủy đã dùng số tiền lớn trên để đánh bạc dưới hình thức lô đề và chi tiêu cá nhân. Hiện, cô ta đã trả được gần 34 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt còn lại (gần 50 tỷ đồng), Thủy không có khả năng khắc phục.

Chiều 8/6, TAND Hà Nội đã tuyên phạt Thủy án tù chung thân.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Bắt Được Chủ Mưu Sát Hại Chủ Gia Đình Sản Xuất Mắm Cáy

Rạng sáng 7/6, công an ập vào một khách sạn thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bắt kẻ trốn lệnh truy nã Lê Thanh Hải (tức Hải Đạm, 41 tuổi).
Nơi Hải trốn lệnh truy nã. Ảnh: Đ.H

Hải bị cơ quan công an xác định là chủ mưu vụ truy sát gia đình ông Đỗ Phát Lai (46 tuổi, chủ hiệu mắm cáy tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa) trong đêm 18/5. Nhóm côn đồ đã giết chết ông Lai, đâm trọng thương vợ và con của ông này.

Nguyên nhân án mạng được cho là do mâu thuẫn trong việc kinh doanh giữa ông Lai và Hải.

Khi Công an Thanh Hóa điều tra vụ việc, Hải bỏ trốn khỏi địa phương và bị phát lệnh truy nã. Anh ta khai đã bắt xe đò vào tỉnh Nghệ An, rồi sang tỉnh Hà Tĩnh thuê khách sạn ở để chờ cơ hội trốn vào Tây nguyên.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Nhóm Ngừơi Cứơp Gỗ Sưa Của Những Người Đang Vận ChuyểnBị Bắt

Phát hiện 22 người đang vận chuyển 7 gùi gỗ huê từ rừng ra, chúng tiếp cận khống chế, nhốt vào hang đá. Đưa toàn bộ số gỗ cướp được ra khỏi rừng an toàn, nhóm này mới thả người.

Ngày 6/6, Công an huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can liên quan vụ cướp gỗ huê ở rừng Phong Nha.

Những người bị bắt tạm giam và khởi tố về tội Cướp tài sản gồm: Nguyễn Văn Hiệu (42 tuổi, Công an viên xã Xuân Trạch), Nguyễn Văn Cương (30 tuổi), Nguyễn Ngọc Hoàn (43 tuổi), Hồ Văn Phượng (25 tuổi) và Nguyễn Văn Cảm (37 tuổi).

Hiện trường vụ cướp gỗ huê. Ảnh: Người Lao Động

Trước đó, nhóm cướp do Cảm, Hiệu và một người nữa cầm đầu với hơn 30 người cùng vào rừng Phong Nha để cướp gỗ huê của một số dân bản địa.

Phát hiện nhóm gồm 22 người (ở xã Phúc Trạch) đang vận chuyển 7 gùi gỗ huê (trong đó có 2 khúc gỗ lớn) từ rừng ra, chúng tiếp cận "khống chế" từng người một, nhốt vào hang đá. Sau khi đưa toàn bộ số gỗ cướp được ra khỏi rừng an toàn, nhóm này mới thả người.

Toàn bộ số gỗ huê được đem bán cho một đầu nậu (ở xã Thanh Trạch) với giá 4 tỷ đồng; chia đều ra mỗi tên cướp được 120 triệu đồng, riêng các "đại ca" như Cảm, Hiệu nhận hơn 400 triệu đồng.

Theo các bị hại khai báo, số gỗ huê nói trên là một phần của 3 cây huê trị giá hàng trăm tỷ đồng bị khai thác trái phép trước đó.

Gỗ sưa nó còn có tên là trắc thối, huỳnh đàn hay huê mộc vàng; được xếp vào loại gỗ quý hiếm nhóm 1A. Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng gỗ sưa vì mục đích thương mại.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Trộm Cạy Cửa Cướp Vàng Tại Trung Tâm Thương Mại Pleiku

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng sớm nay đến cửa hàng tại Trung tâm thương mại Pleiku, phát hiện kẻ trộm cạy cửa lấy đi nhiều nữ trang bằng vàng và bạc.

Bà Hồng là chủ cửa hàng vàng Kim Hùng tại lô 41 Trung tâm thương mại Pleiku, Gia Lai. Bà khai báo: "Sáng nay tôi vừa tới cửa hàng thì tá hỏa bởi có dấu hiệu kẻ trộm đột nhập. Kiểm tra sơ bộ thì thấy mất một số nữ trang vàng bạc".

Cửa hàng vàng bị mất trộm. Ảnh: Tùy Phong.

Bà chủ cửa hàng ước tính trị giá số nữ trang mất cắp khoảng 200 triệu đồng. Công an TP Pleiku xác nhận vụ việc và cho biết đang điều tra tìm thủ phạm. Đây là vụ trộm vàng lớn đầu tiên xảy ra tại Trung tâm thương mại Pleiku trong vòng 3 năm qua.

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Nhiều Người Phải Nhập Viện Do Ăn Phải Nấm Độc Ở Tỉnh Lào Cai

Thông tin do bác sỹ Nguyễn Thị Hải Anh, Giám đốc chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai cung cấp với PV chiều nay (4/5).
Vụ thứ nhất xẩy ra vào ngày 31/5 khi em Vàng Thị Yêm, 14 tuổi nhà ở thôn Mý 2, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên ( tỉnh Lào Cai) ra vườn nhà hái nấm mang vào nấu ăn cho mẹ. Sau khi ăn xong khoảng 2 giờ đồng hồ cả 2 mẹ con em thấy người khó chịu, đau đầu, buồn nôn và đi ngoài ra nhiều nước. Gia đình kịp thời đưa đi bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên cấp cứu nên ngày hôm sau sức khỏe của cả hai mẹ con đã dần ổn định.

Loài nấm độc mà em Vàng Thị Yêm ở thôn Mý 2, xã Xuân Hòa huyện Bảo Yên (Lào Cai) lấy về từ vườn nhà nấu ăn và bị ngộ độc

Vụ thứ hai xẩy ra ngày 2/6 khi một người con gái 13 tuổi của ông Hoàng Văn Cường ở xóm Hạ, cùng xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên lên đồi phía sau nhà hái nấm rừng về nhà nấu ăn. Tuy có nghi ngờ lẫn nấm độc nhưng gia đình không kiên quyết đổ đi mà vẫn cùng ăn nên sau bữa ăn một giờ cả 8 người trong nhà đều bị ngộ độc nấm và phải đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên cấp cứu. Hiện nay sức khỏe của cả 8 người trong gia đình ông Cường đã hồi phục và trở về gia đình sinh hoạt bình thường.

Vụ thứ 3 xẩy ra cùng ngày 2/6 khi ông Đặng Văn Trung nhà ở bản Lầu 4, xã Xuân Thượng cùng huyện Bảo Yên thấy nấm lạ mọc nhiều sau cơn mưa đã lấy về nấu ăn. Do ăn nhiều nên 1 giờ sau đó gia đình phải đưa ông vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên. Rất may do sợ ăn phải nấm lạ nên vợ con ông không ai việc gì.

Ngay sau khi các vụ ngộ độc do nấm xẩy ra ở huyện Bảo Yên, bác sỹ Nguyễn Thị Hải Anh, giám đốc chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lào Cai đã xuống tận hiện trường chỉ đạo lấy mẫu nấm độc gửi về Viện y học chống độc quân đội xét nghiệm, đồng thời phối hợp với trung tâm y tế địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp bà con dân tộc nhận biết các loại nấm độc trong khi thu hái, sử dụng nấm.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Thi Thể Học Sinh Mất Tích Trước Ngày Thi Tốt Nghiệp Được Tìm Thấy Trên Sông Lam

Sau những nghi ngờ và nỗ lực tìm kiếm từ phía gia đình, cơ quan chức năng đến chiều tối ngày 2/6, thi thể thí sinh N.N.A đã được tìm thấy trên sông Lam.
Khu vực cầu Bến Thủy được nghi ngờ là em A. đã nhảy cầu tự tử.
Trước đó, em N.N.A (SN 1994, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) được một người bạn rủ đi chơi ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, sau đó gia đình không thể liên lạc được với em A. và học sinh này được cho là “mất tích”.
Gia đình A. đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng việc con mình bị “mất tích” một cách đầy nghi ngờ. Đồng thời, gia đình cũng thuê những người vớt xác trên sông Lam tiến hành thả câu vương, tìm kiếm ở khu vực hạ lưu cầu Bến Thủy bắc qua sông Lam hòng hy vọng sẽ có một manh mối nào đó về A.

Mọi nghi ngờ, thì đến tối ngày 2/6, bất ngờ cơ quan chức năng và gia đình tìm thấy thi thể em A. dưới sông Lam

Sau hơn hai ngày nỗ lực tìm kiếm đến tối ngày 2/6, người nhà em A. cùng cơ quan chức năng bất ngờ phát hiện thi thể A. dưới sông Lam.

Tuy nhiên, khi vớt thi thể em A. lên, gia đình nghi ngờ con mình có thể bị kẻ xấu đánh chết rồi vứt xuống sông Lam nên đã đề nghị Cơ quan công an huyện Nghi Lộc và Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc điều tra cái chết của em A.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Thưởng Thức Bọ Rầy Ở Vùng Bảy Núi

Đối với những người chưa biết loài bọ rầy khi mới thấy qua đã lợm giọng. Nhưng với người dân vùng Bảy Núi - An Giang, bọ rầy được xem là món ăn “độc chiêu” và trở thành nguồn cảm hứng ẩm thực của nhiều quán nhậu.

Cứ vào mùa mưa, bọ rầy được bạn hàng bày bán nhiều ở các chợ nông thôn vùng Bảy Núi. Đặc biệt là vào các buổi chợ sáng khi trời còn lờ mờ sương đã thấy dân nghèo lỉnh kỉnh xách rọng bọ rầy đếm lại cho bạn hàng. Vài năm gần đây, loài bọ rầy không còn là món ăn xa lạ với cư dân xứ này.

Đặt 2 chiếc rọng bọ rầy đầy ắp bắt được từ tối hôm qua xuống đất, thấy tôi trợn tròn mắt nhìn, ông Chau Sóc Rươnl ở xã An Phú cười sặc sụa: “Hổm rài, vùng Bảy Núi xuất hiện lác đác vài cơn mưa đầu mùa, cây rừng đâm chồi, nảy lộc xanh tốt nên bọ rầy sinh sôi nảy nở nhiều vô kể. Bọ rầy sống lẩn khuất trên những chồi lá xoài, điều, mít… để ăn đọt non. Con nào con nấy mập mạp ú nu nên được nhiều bạn hàng thu mua nườm nượp. Mặc dù thấy nó xấu xí nhưng ăn là ghiền!”.


Bọ rầy được bạn hàng bán ở chợ Nhà Bàng.

Ông Chau Sóc Rươnl cho biết thêm, một đêm ông cùng đứa con lội sang vùng núi Ô Tà Bang hoặc len lỏi vào các khu vườn xoài, vườn điều của người dân, bắt được khoảng 4 thiên bọ rầy (1 thiên = 1.000 con), với giá 60.000 đồng/thiên, kiếm cũng được trên 200.000 đồng.

“Bọ rầy được dân nghèo tụi tôi xem như là chiếc cần câu cơm hằng ngày. Cách bắt bọ rầy cũng dễ như bắt ve sầu. Ban đêm từ 9- 10 giờ khuya là thời điểm thích hợp để bắt bọ rầy, bởi lúc này loài côn trùng xuất hiện nhiều để cắn phá vườn tược.

Chỉ cần dùng chiếc đèn bình rọi thẳng lên cây, thấy ánh sáng là bọ rầy bắt đầu xuất hiện và bay quanh quẩn ánh đèn. Khi lượn khoảng vài vòng, bọ rầy mệt rớt xuống đất ngay ánh đèn, mình chỉ cần bỏ công lượm từng con bỏ vào rọng. Một đêm chịu siêng chút xíu, bắt ít nhất từ 4-5 thiên”- ông Rươnl chia sẻ.

Về chợ Nhà Bàng, gặp chị Trần Thị Thu đang bày một thau bọ rầy đon đả mời chào với giá 65.000 đồng/thiên, vậy mà chỉ trong nháy mắt người qua lại đã mua sạch. Chị nói, năm ngoái bọ rầy chỉ với giá 40.000 đồng/thiên, nhưng năm nay, người dân biết chế biến món ăn này thay cho thịt, cá nên giá có tăng.

Mỗi ngày chị Thu bán khoảng 10 thiên mà vẫn không đủ bọ rầy để cung ứng. Hốt một bụm bọ rầy đếm cho khách, chị Thu khoe: “Mấy năm đầu tiên, tôi bày bán bọ rầy, nhiều bà nội trợ đi ngang gặp, họ rất sợ. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, món ăn từ bọ rầy được truyền tai nhau nên phổ biến rộng rãi hơn. Hiện nay, món bọ rầy không chỉ dành riêng cho dân nhà nghèo mà còn trở thành món khoái khẩu trong nhà hàng, quán nhậu. Thấy nó xấu xí vậy chứ khi đem chế biến ăn ngon đáo để…”.

Bọ rầy có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu nâu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Loại côn trùng này ngày nay được bày bán ở các chợ Nhà Bàng, chợ Văn Giáo, An Hảo hay chợ thị trấn Tịnh Biên và các chợ miền núi huyện Tri Tôn. Cách chế biến món ăn từ bọ rầy cũng dễ.

Khi mới đem bọ rầy về, công đoạn đầu tiên là phải ngắt bỏ cánh cứng. Sau đó, móc bỏ phần đít, moi ruột, rồi đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng. Bước tiếp theo để bọ rầy cho ráo, rồi đem chiên hoặc xào.

Muốn cầu kỳ hơn, có thể dồn thịt ba chỉ băm nhuyễn hay nhét thêm đậu phộng đem chiên giòn. Món bọ rầy chiên giòn ăn kèm với rau sống, cà chua xắt lát, cải xà lách chấm với tương ớt, muối ớt chanh, ngon khó tả.

Anh Nguyễn Nhậm, Bí thư Chi bộ ấp Phú Nhứt, xã An Phú cho biết: “Món bọ rầy chiên giòn đã chễm chệ trong thực đơn của nhiều nhà hàng tại vùng Bảy Núi. Thậm chí bọ rầy còn được bạn hàng thu mua từ Campuchia về mới đủ cung cấp…”.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More