Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Đàn Hổ Được Nuôi Xung Quanh Hàng Trăm Hộ Dân

Có một đàn hổ được nuôi trái phép ở xã Xuân Tín từ năm 2006 đến nay, nhưng Hạt kiểm lâm huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) vẫn mặc nhiên để nó tồn tại.



Những con hổ trong chuồng nhà ông Oai

Ông Nguyễn Mậu Oai (ở thôn 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân) năm nay 85 tuổi rồi mà chân tay còn săn chắc, da dẻ vẫn hồng hào. Bên hương vị của ấm trà dưới căn nhà sàn làm bằng gỗ quý hiếm, ông Oai thủng thỉnh kể về sự tích bầy hổ hoang dã quý hiếm mà gia đình ông đang sở hữu.

Năm 2011, đàn hổ 14 con to lừng lững nhốt sau căn nhà sàn, hôm chúng tôi đến thăm mắt chúng nó xanh lè, ngửi thấy mùi lạ, đàn hổ thi nhau nhảy rồ lên, trông con nào cũng rất dữ tợn. “Có đêm, chúng đói ăn sinh ra cấu xé, gầm rú ầm ĩ, khiến nhiều người hàng xóm trong thôn 27 thức giấc, lo sợ”, một người hàng xóm nhà ông Oai nói. Hàng ngày, họ đồn tán rất nhiều chuyện về đàn hổ hoang dã được nuôi nhốt trong gia đình ông Oai…

Có người nhầm tưởng chúng tôi là dân doanh nghiệp ở Khu kinh tế Nghi Sơn, nhiều tiền, đến Xuân Tín tìm mua cao hổ cốt, mách nhỏ: “Các bác ra Hà Nội tìm thằng con trai ông Oai là Nguyễn Mậu Chiến đang công tác ở Công ty Hóa dược Việt Nam, trú ở 68 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân – Hà Nội, mọi việc về hổ… nó mới quyết được tuốt!”.

Người này còn bảo: “Muốn mua hổ ra khỏi xã Xuân Tín này thì thành phần ghi trong giấy tờ phải có ít nhất là bốn thành phần gồm công an, kiểm lâm, quản lý thị trường và thuế vụ; như vậy dù có bị kẻ xấu báo hại cũng không bị bưng mất nồi cao hổ cốt khi nó đang sôi sình sịch…”.



Hổ được nuôi giữa hàng trăm hộ dân

Cái làng bé nhỏ mà gia đình ông Oai đang cư ngụ bên dòng sông Chu chảy qua xã Xuân Tín có một bộ phận hộ gia đình nông dân biết nghề truyền thống rất cổ truyền. Đó là nấu cao tất cả các loại xương động vật, nhưng điển hình nhất vẫn là xương trâu, bò, chó,… và xương lợn.

Cho nên, các hộ dân ở đây bảo: “Nhờ trại hổ nhà ông Oai mà thương hiệu “cao trâu Xuân Tín” mới ẩn dạng tung hoành khắp xứ, mọi nơi”. Cũng nhờ “danh tiếng đàn hổ” này, nên doanh nhân, nhà báo và nhiều du khách về thăm Lam Kinh, hiếu kỳ tranh thủ ghé về Xuân Tín thăm thú đàn hổ nhà ông Oai nhiều hơn.

Mấy năm nay, năm nào tôi cũng dành thời gian rảnh về thăm và chụp ảnh đàn hổ nhà ông Nguyễn Mậu Oai. Lật lại sổ ghi chép và xem lại ảnh mới thấy lạ. Năm 2007, trong trại hổ nhà ông Oai có 10 con. Cuối năm 2008, đàn hổ nhà ông Oai chết đột ngột 3 con, lý do bị bệnh. Có người nói với giọng “tỉa tót” rằng: “Hổ nhà ông Oai đột tử vì lây bệnh H5N1”.

Năm 2009, chúng tôi đến thăm vẫn thấy nhốt 10 con. Năm 2010, chúng tôi đến thăm lại thấy trong trại chỉ có 7 con. Hàng xóm nhà ông Oai lại bảo: “3 con hổ chết vì lây bệnh tai xanh của lợn!”. Đầu hè 2011, chúng tôi về thăm đếm được trong trại hổ nhà ông Oai có 14 con.

Thật là số lượng đàn hổ ở xã Xuân Tín biến động tăng – giảm không ai kiểm soát được; chắc chỉ gia đình ông Nguyễn Mậu Oai là biết rõ việc tăng – giảm cơ học thất thường này. Tuy vậy, cũng cần làm rõ đàn hổ này có nguồn gốc, xuất xứ từ địa phương, châu lục nào?

Theo ông Oai kể, năm 2006, số hổ này được người con trai là Nguyễn Mậu Chiến đang công tác ở Công ty cổ phần Hoá dược Việt Nam, mua của một người dân tộc ở xã Na Mèo, huyện vùng cao Quan Sơn, khi hổ mới nặng từ 3 – 6 kg/con. Nó phàm ăn và chóng lớn lắm. Đến nay, con to chừng 3 tạ, con nhỏ khoảng 2,5 tạ. Hàng ngày, người con ở Hà Nội cho người đi thu mua hàng tạ cổ, cánh gà công nghiệp ở một số lò mổ, rồi đóng gói gửi cho ô tô khách tuyến Giáp Bát – Trại 5 mang về làm thức ăn cho đàn hổ, rất tốn kém.

- Hổ to rồi, có con nào đẻ chưa ? – Đồng nghiệp đi cùng tôi hỏi.

- Không thấy đẻ ! – Ông Oai đáp.

- Có mấy con đực, mấy cái ?

- Các chú nhảy vào chuồng mà xem !!! – ông Oai đảo mắt nhìn tôi rồi thủng thỉnh nói.

Trước cách khai thác thông tin “hơi xóc” của bạn tôi, ông Oai không vừa lòng. Tuy nhiên, tôi vẫn cởi mở nói với ông Oai rằng hổ là động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B được nhà nước cấm săn bắt, buôn bán, tiêu thụ. Việc nuôi nhốt hổ phải được sự cấp phép của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Oai nói: “Tết vừa rồi (tức Tết Nhâm thìn 2012), thằng Chiến nó về, nó có đến Chủ tịch tỉnh xin phép bằng mồm rồi. Nhà báo muốn biết rõ thì đi tìm thằng Chiến mà hỏi. Bây giờ, nó bàn giao 14 con hổ cho anh rể nó nuôi nhốt tại trang trại ở cồn Tàu Voi rồi. Năm nay, tôi già và mệt mỏi lắm không trông coi đàn hổ này được nữa, nhiều chuyện rắc rối cứ đến với thân già này…”.

Ông Nguyễn Văn Tư hiện đang là cán bộ chính sách xã Xuân Tín và là con rể ông Oai. Năm 2008, ông Mai Văn Ninh (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) có Quyết định số 1505/QĐ-UBND, xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Văn Tư 30 triệu đồng, vì nuôi 5 cá thể hổ trái phép. Trước đó, ông Mai Văn Ninh cũng đã ra Quyết định 2320/QĐ-UBND, xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Mậu Chiến cùng mức phạt là 30 triệu đồng, vì nuôi nhốt 10 cá thể hổ trái phép.

Theo hai quyết định xử phạt hành chính trên, loài hổ gồm 15 con ban đầu mà ông Nguyễn Văn Tư và ông Nguyễn Mậu Chiến nuôi trái phép là động vật hoang dã quí hiếm thuộc nhóm IB, có tên khoa học là Panthera Tigris. Hai quyết định xử phạt này còn có nội dung: “Nghiêm cấm giết mổ, mua bán, kinh doanh vì mục đích thương mại, không được tự ý di chuyển hoặc mua thêm hổ để nuôi. Nếu vi phạm các nội dung này hoặc làm thất thoát hổ nói trên đều phải xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Riêng đối với ông Nguyễn Mậu Chiến, quyết định xử phạt còn có nội dung:“… lập phương án nuôi nhốt 10 cá thể hổ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên nguyên tắc nuôi nhốt phải đảm bảo điều kiện an toàn cho người nuôi và nhân dân trong vùng, an toàn dịch bệnh đối với vật nuôi,…”.

Như vậy, việc cấp phép và giám sát sự biến động tăng - giảm số lượng cá thể đàn hổ nhà ông Nguyễn Mậu Chiến và ông Nguyễn Văn Tư ở xã Xuân Tín từ năm 2006 đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước về động vật hoang dã quý hiếm ở Thanh Hóa liệu có bị buông lỏng ?

***

Ông Lê Thế Long (Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm Thanh Hóa), cho biết: “Hiện tại, số lượng hổ của Nguyễn Mậu Chiến và Nguyễn Văn Tư được nuôi nhốt tại xã Xuân Tín hiện chưa được cơ quan nào cấp phép, vì Công ước Cites cũng như các quy định của pháp luật hiện hành không cho phép các hộ gia đình cá thể mua bán, kinh doanh, nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm…”.

Cũng về câu hỏi trên, ông Lê Quốc Việt (Trưởng phòng pháp chế Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa) có kiến nghị rằng: “Cục kiểm lâm Bộ NN&PTNT nên có biện pháp xử lý cụ thể đối với những gia đình nuôi hổ trái phép ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), thả đàn hổ về rừng để bảo tồn, quản lý. Trước hết trong thời gian chờ đợi xử lý, cần có hình thức giám định từng cá thể hổ, rồi gắn chíp bảo vệ, giám sát để tránh tình trạng nuôi lớn vờ báo cáo hổ bị bệnh, để kinh doanh mua bán, đánh tráo tuồn hổ con vào thay thế”.

Mặt khác, ông Việt cũng kiến nghị Cảnh sát môi trường sớm vào cuộc điều tra, làm rõ số lượng tăng – giảm cá thể đàn hổ nhà ông Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Mậu Chiến; nếu có dấu hiệu mua bán, vận chuyển trái phép thì phải xử lý theo pháp luật hình sự.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More