“Bỏ phiếu” cho quy định tịch thu xe đua, phương tiện khai khoáng trái phép… khi thảo luận về dự luật Xử lý vi phạm hành chính được thảo luận trong ngày 10/4, nhưng UB Thường vụ QH vẫn lo cách xử lý trong trường hợp phương tiện do mượn, thuê của người khác.
Theo quy định tại Điều 26 của dự Luật, tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính sẽ bị tịch thu để sung vào công quỹ nhà nước. Điều 84 của dự Luật quy định rõ thêm các phương tiện do chiếm đoạt của người khác để vi phạm sẽ được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
UB Pháp luật, cơ quan thẩm tra dự án luật, cho biết, lần chỉnh lý trước, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định các trường hợp phương tiện do mượn, thuê của tổ chức, cá nhân khác để vi phạm cũng cần phải trả lại cho chủ nhân. Quan điểm này dựa trên lập luận, bản thân chủ sở hữu phương tiện không có lỗi, không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, đối với tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để vi phạm hành chính cũng cần phải tịch thu, đặc biệt là trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến trật tự công cộng (như khai thác khoáng sản, đua xe trái phép…) để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, quyền lợi của chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp phương tiện vẫn được đảm bảo bằng cách yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Nếu quy định theo hướng trả lại phương tiện vi phạm do đối tượng vi phạm mượn, thuê… mà không thuộc sở hữu của đối tượng vi phạm thì sẽ rất dễ nảy sinh tình trạng lạm dụng, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để vi phạm. Hơn nữa, quy định như vậy cũng không công bằng đối với người vi phạm khi họ sử dụng phương tiện của mình đua xe chẳng hạn sẽ bị tịch thu trong khi đi mượn thì không bị tịch thu, sẽ rất khó răn đe trên thực tế.
Ngược lại hướng phân tích này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, việc tịch thu phương tiện do mượn hay thuê của người khác là bất hợp lý, bởi nếu không chứng minh được chủ phương tiện có lỗi thì không thể tịch thu phương tiện mà chỉ xử lý đối tượng vi phạm.
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển “hiến kế” quy định chặt chẽ, cụ thể chết tài đối với trường hợp chủ phương tiện biết trước hậu quả nhưng vẫn để đối tượng vi phạm sử dụng phương tiện, tài sản của mình, ví dụ, bố mẹ để cho con chưa đủ tuổi theo quy định được đi xe máy.
“Chốt” lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu yêu cầu thiết kế lại quy định này theo hướng trả lại phương tiện cho chủ sở hữu sau khi xử phạt vi phạm hành chính đối với các tang vật, phương tiện dùng để phạm tội bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép mà không chứng minh được lỗi của chủ phương tiện.
Lần chỉnh lý này, UB Pháp luật nêu 2 phương án về mức xử phạt hành chính. Phương án một quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác.
Phương án hai quy định mức phạt tiền từ 50 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng, áp dụng cho cả pháp nhân và cá nhân, trừ trường hợp quy định tại luật khác.
UB Pháp luật nêu ý kiến thiên về phương án thứ nhất. Đa số thành viên UB Thường vụ cũng nhất trí phương án 1 với lập luận, tác động của hành vi vi phạm của pháp nhân đối với xã hội thông thường lớn hơn rất nhiều so với vi phạm của cá nhân.
Quy định cho phép xử phạt tối đa không quá 2 lần đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của 5 thành phố trực thuộc TƯ gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng cũng nhận nhiều ý kiến ủng hộ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét